Tin tức mới

Đăng lúc: 11/04/2019 02:00 - Người đăng: haidv
San hô mềm ở vùng biển Caribê có khả năng chống lại hiện tượng axit hóa đại dương

Một nhóm các nhà khoa học thuộc trường Đại học Miami, Hoa Kỳ đã thử nghiệm  ảnh hưởng của nồng độ CO2 tăng cao đến tốc độ tăng trưởng và vôi hóa của Eunicea fusca, một loại san hô mềm trải dài từ Bahamas, Bermuda, Nam Florida đến Vịnh Mexico.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập những mẫu E. fusca tại Big Pine ở quần đảo Florida Keys để mô phỏng các điều kiện axit hóa đại dương được dự đoán trong tương lai với nồng độ CO2 từ mức 285-2.568 phần triệu (pH nằm trong khoảng từ 8,1-7,1) trong một thử nghiệm 4 tuần tại phòng thí nghiệm. Eunicea fusca có phản ứng tiêu cực với sự vôi hóa khi nồng độ CO2 tăng cao, nhưng sự tăng trưởng và vôi hóa không dừng lại bất kể hàm lượng CO2 được sử dụng trong nghiên cứu ở mức nào.

GS. Chris Langdon, Giám đốc Phòng thí nghiệm biến đổi khí hậu và rạn san hô thuộc trường Đại học Miami, cho biết: Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy san hô gorgonian có thể phục hồi tốt hơn so với loài san hô khác trước những thay đổi về tình trạng axit hóa đại dương dự kiến sẽ diễn ra do biến đổi khí hậu. Các phát hiện này sẽ cho phép dự báo tốt hơn thành phần của các cộng đồng rạn san hô trong tương lai theo kịch bản hiện nay.

Hiện tượng vôi hóa giảm mạnh khi nồng độ CO2 cao, do đó, các tác giả nghiên cứu cho rằng san hô mềm nhiệt đới có thể ứng phó tốt hơn với mức độ axit hóa đại dương được dự báo trong thế kỷ này. San hô gorgonian tạo thành cấu trúc phức tạp, cung cấp nơi cư trú cho các sinh vật quan trọng khác.

Dựa vào nghiên cứu về tảo san hô kết vỏ và động vật da gai, các nhà khoa học cho rằng san hô có bộ khung được hình thành từ lượng magie-canxit cao, có thể nhạy cảm với tác động của hiện tượng axit hóa đại dương hơn so với san hô tạo thành từ aragonit. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu đầu tiên phát hiện ra rằng không phải tất cả các sinh vật tiết ra magie-canxit như san hô mềm, đều nhạy hơn so với các sinh vật tiết ra agragonit như san hô đá.

Khả năng hấp thu CO2 của nước biển dẫn đến sự suy giảm nồng độ pH gọi là axit hóa đại dương. Độ axit tăng dần trong nước biển gây ảnh hưởng đến toàn bộ mạng lưới thức ăn ở biển như sinh vật biển vôi hóa, ví dụ san hô, sò và nhím biển gặp khó khăn trong việc tạo vỏ và xương, làm cho chúng dễ bị ăn thịt và tổn thương.

Nghiên cứu đã được công bố trực tuyến trên Tạp chí Coral Reef.